• Thiên đường Đảo Bé

    Thiên đường giữa biển khơi...

  • Kim Phương Motel

    Kim Phương Motel (Nhà Nghỉ Nghỉ Phương) tại Lý Sơn - Đẹp, sang trọng, có điều hòa, có wifi, nằm cạnh Biển và giá rẻ, cách chợ và Bưu Điện huyện Đảo Lý Sơn 500m....

  • Thiên đường Đảo Lý Sơn

    Hãy cùng chúng tôi khám phá đảo lý sơn...

Thiêng liêng lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

ANTD - Sáng 12-4 (nhằm ngày 16-3 âm lịch), tại Đình làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hàng trăm du khách cùng người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã làm lễ khao lề thề lính Hoàng Sa. Đây là lễ dâng hương, tri ân công đức các bậc tiền nhân từng giong buồm ra Hoàng Sa, Trường Sa mở cõi cắm mốc, khẳng định chủ quyền biển đảo đất nước.
Quang cảnh buổi lễ
Vào sáng sớm, lễ rước vong linh các hùng binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được cử hành từ nơi thờ phụng là âm linh tự, về Đình làng An Vĩnh. Đình làng này là nơi cách đây hàng trăm năm, trước khi lên đường đi Hoàng Sa, Trường Sa, những người đăng lính lại tập trung về để tế tự. Sử sách còn ghi lại, hằng năm các chúa Nguyễn đã tuyển 70 dân đinh, giỏi nghề đi biển, ở các làng An Vĩnh và An Hải tại vùng cửa biển Sa Kỳ và sau đó là dân đinh ở phường An Vĩnh và phường An Hải trên đảo Lý Sơn, giương buồm nương theo gió nồm vượt sóng tiến ra quần đảo Hoàng Sa.
Nhiệm vụ của đội dân binh Hoàng Sa là đo đạc hải trình, dựng bia, cắm mốc chủ quyền và thu lượm sản vật tại Hoàng Sa và Trường Sa. Để thực thi nhiệm vụ vua ban, những dân binh lênh đênh trên biển bằng những chiếc thuyền câu mong manh trong suốt 6 tháng, từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch.
Để nguyện cầu sự bình yên cũng như xua đuổi rủi ro cho những binh phu đi Hoàng Sa, những hình nhân và linh vị, cùng những thứ tượng trưng mà người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa thường mang theo như gạo, muối, củi, nước ngọt, lưới… sẽ được bỏ chung cùng thuyền lễ bằng cây chuối rồi đem thả ra biển. Giữa bập bềnh sóng gió, hình nhân sẽ là kẻ thế mạng cho người đăng lính.

Thả thuyền nộm và linh vị thế mạng ra biển
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã được tổ chức từ nhiều đời nay. Vào những năm sau này, lễ càng thu hút nhiều người dân khắp nơi trong cả nước về Lý Sơn. Vì thế, đây còn được coi như lễ hội của lòng yêu nước, góp phần quan trọng vào việc xác định chủ quyền và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.
Ông Dương Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Lý Sơn, cho biết: “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, các tộc họ trên đảo được bảo tồn, duy trì suốt 400 năm qua. Đây là nghi lễ đã thấm sâu trong tiềm thức người dân, giàu tính nhân văn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Điều này cũng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng huyện đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh, nhằm giữ vững và tiếp nối truyền thống của các binh phu Hoàng Sa thuở trước”.
Theo ANTD

Cụ ông 81 tuổi ở đảo Bé bỏ tiền túi làm ‘cây cầu du lịch’ đảo Bé, An Bình, Lý Sơn

Đó là cụ Bùi Hoàng ở xã An Bình (còn gọi là đảo Bé) thuộc huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).


                         

Vợ chồng cụ Bùi Hoàng bên “cây cầu du lịch” ở đảo Bé
Trước nhà cụ Hoàng có ghềnh đá trầm tích nhô lên trên mặt biển nhưng do nằm cách mép bờ chừng 15m, nước khá sâu nên nhiều du khách khi đến đây đều tiếc nuối vì không thể lội ra để chiêm ngưỡng những con sóng xô vào vách đá, tung bọt trắng xóa rất đẹp hay chụp ảnh lưu niệm trước khung cảnh thanh bình, lãng mạn.


Thấy vậy, đầu năm 2017, cụ Hoàng dốc hết số tiền dành dụm được hơn 20 triệu đồng mua vật liệu, thuê nhân công làm cây cầu bằng cây gỗ dài hơn 20m bắt qua ghềnh đá phục vụ du khách, thu phí mỗi người chỉ 5.000 đồng.
“Ngày nào vợ chồng tui cũng ra cây cầu kiểm tra các mối dây có bị lỏng hay không để cột lại cho an toàn. Tuy vất vả một chút nhưng cũng kiếm hơn 100.000 đồng/ngày, đủ hai vợ chồng già trang trải cuộc sống. Như vậy là vui lắm rồi”, cụ Hoàng thổ lộ và nói rằng dẫu tuổi đã cao nhưng hai vợ chồng vẫn gắng sức chung tay cùng dân đảo Bé làm du lịch cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo ấn tượng thân thiện, hấp dẫn cho du khách mỗi khi đến với đảo Bé.

Theo UBND xã An Bình, nhờ “cây cầu du lịch” của ông Hoàng, đảo Bé có thêm một điểm tham quan lý thú cho du khách trong và ngoài nước.
Theo TNO

Lịch trình chi tiết khám phá đảo Lý Sơn

Những kinh nghiệm và cập nhật mới nhất về vé tàu cao tốc, giá nhà nghỉ và chỗ ăn ngủ ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) dành cho các bạn sắp đi dịp lễ 30/4 tới đây.
Những chia sẻ này được cập nhật tháng 3/2015. Các mức giá và chốn ăn nghỉ có thể sẽ thay đổi theo thời gian và biến động thị trường. Với những người đã đến đảo năm ngoái thì có thể tưởng tượng ra cảnh năm nay đông khoảng gấp đôi hay ít nhất cũng đông gấp rưỡi, đặc biệt dịp nghỉ lễ và cuối tuần. Với những người chưa ra đảo thì tốt nhất nên đặt trước phòng khoảng một tháng và hỏi chủ khách sạn tài khoản để chuyển tiền trước cho chắc ăn. Thời điểm này, đều đều mỗi ngày khoảng trên 300 khách, ngày cuối tuần, tàu cao tốc chạy 5 đến 6 chuyến ra đảo, khoảng hơn nghìn người.


Hòn đảo xinh đẹp Lý Sơn có bãi tắm tuyệt đẹp, nước trong vắt.

Ngày 1: Hà Nội (hoặc Sài Gòn) - Chu Lai (hoặc Đà Nẵng)

Có rất nhiều lựa chọn cho các bạn để đến được Quảng Ngãi tùy thuộc vào thời gian và điều kiện của các bạn. Có điều kiện thì bay đến Đà Nẵng hoặc Chu Lai rồi di chuyển bằng các phương tiện khác như taxi, xe buýt, xe máy để đến Quảng Ngãi rồi ra cảng Sa Kỳ. Tốt nhất nên bắt xe giường nằm để đến Quảng Ngãi, chọn chuyến xe nào phù hợp để đến Quảng Ngãi vào tối hôm trước rồi sau đó đi xe buýt hoặc taxi xuống cảng Sa Kỳ nghỉ đêm. Tại cảng Sa Kỳ ngay đường vào cảng, cách cảng 200 mét có một số nhà nghỉ, nhà trọ khá sạch sẽ. Nếu người nào thảnh thơi hơn, có thể ở biển Mỹ Khê (Quảng Ngãi). 

* Vé tàu cao tốc

Dù đi bằng phương tiện gì, bạn cũng nên cố gắng tới cảng Sa Kỳ sớm nhất trong sáng ngày hôm sau để mua vé lên tàu cao tốc ra đảo. Hiện tại nhà ga cảng Sa Kỳ đã đi vào hoạt động từ Tết Âm lịch nên khá rộng rãi và thoáng mát cho mọi người chờ mua vé. Đã có các cửa riêng của vé cho người ưu tiên, cửa cho đoàn đăng ký vé từ trước và cửa cho người đến đó mới xếp hàng mua vé. Giá vé chiều từ Sa Kỳ ra đảo là 105.000 đồng/lượt và lượt về từ Lý Sơn về Sa Kỳ là 100.000 đồng.

Tuy nhiên vẫn có mỗi hai nhân viên bán vé và kiểm tra CMND nên vẫn là hơi dài cổ khi xếp hàng mua vé vào những ngày cuối tuần hay nghỉ lễ. Các nhóm đi đông theo đoàn thì nên đăng ký vé trước sẽ thuận tiện và bớt thời gian hơn nhiều.

Nhà ga khá rộng và khang trang đẹp đẽ, có ghế ngồi chờ như nhà ga sân bay, có quạt mát nên không lo bị đứng xếp hàng giữa trời nắng miền trung gió Lào như những năm trước nữa.

Về danh sách đăng ký thì giờ chỉ cần: họ tên, năm sinh, nơi ở chứ không cần số CMND như trước nữa. Chỉ cần bạn trưởng đoàn khi lấy vé trình CMND của bạn ấy và một bản danh sách đoàn giống như danh sách đã đăng ký gửi cho phòng vé từ trước.

Giờ tàu chạy và số chuyến: hiện tại duy trì hằng ngày có hai chuyến buổi sáng xuất cảng lúc 7h30 và 8h từ Sa Kỳ và một chuyến buổi chiều vào 13h hoặc 13h30. Chiều về từ Lý Sơn về đất liền duy trì một chuyến buổi sáng vào 7h30 hoặc 8h tùy tàu và buổi chiều một chuyến lúc 14h. Đây là lịch cố định hằng ngày. Tuy nhiên, các ngày lễ Tết hoặc ngày cuối tuần hầu như chạy kín ngày nhưng không xuất cảng sau 16h30 do đảm bảo an ninh hàng hải, trừ những trường hợp đặc biệt. Nếu sau các chuyến cố định mà lượng khách còn đông thì sẽ có chuyến chạy bổ sung không kể là ngày lễ Tết hay ngày thường. 

Nếu đi đoàn đông nên liên hệ mua vé trước. Khi mua vé cho đoàn đông cần có danh sách thông tin của cả đoàn gồm họ tên, năm sinh, số CMND, quê quán. Các bạn có thể nghỉ đêm tại Quảng Ngãi rồi sáng hôm sau mới di chuyển ra cảng Sa Kỳ bằng các phương tiện như taxi, xe buýt hoặc có thể tới thẳng cảng Sa Kỳ nghỉ đêm để sáng hôm sau tiện cho việc mua vé tàu ra đảo hơn.



Bạn tới nhà ga này để mua vé tàu cao tốc ra Lý Sơn.

* Ăn nghỉ ở cảng hoặc khu vực Mỹ Khê hay TP Quảng Ngãi

Ở cảng Sa Kỳ: hiện vẫn có mỗi nhà trọ Hương Biển có 5 phòng dạng nhà trọ đơn giản để mọi người nghỉ đêm chờ tàu. Có thể chứa được khoảng 15 người và giá là 50.000 đồng/người. Tuy nhiên thi thoảng hay đòi giá 60.000 đồng hay 70.000 đồng. Mọi người không nên nên tặc lưỡi mà chỉ trả 50.000 đồng/người. Cứ nói là bạn mới ở và giới thiệu. Có lựa chọn khác cũng ngay gần cạnh là nhà trọ Phương Đông. Có 5 phòng và giá mỗi phòng thường đòi 120.000 đồng. Tuy nhiên nên trả giá xuống 100.000 đồng vì với kiểu phòng như vậy thì giá 100.000 đồng là hợp lý.

Nếu cảng Sa Kỳ mà cảm thấy không ưng ý thì có thể bắt taxi, xe ôm ra khu bãi biển Mỹ Khê cách cảng 7 km để nghỉ ngơi thì khang trang hơn. Ở đây thì ăn nghỉ thuận lợi hơn. Tuy nhiên cũng sang chảnh và chát hơn chút. Ở Mỹ Khê có mấy nhà nghỉ bình dân, một khách sạn tên là Hoàng Sa và một nhà khách Mỹ Khê 3 sao. Nhà khách thì phòng đơn khoảng 300.000 đồng, phòng đôi 450.000 đồng. Hoàng Sa thì phòng đơn 250.000 đồng, phòng đôi 350.000 đồng. Các nhà nghỉ bình dân giá cũng tầm 200.000 đồngphòng đơn và có nơi rẻ hơn chút.

Ở Mỹ Khê có bãi biển tắm khá đẹp, ngắm bình minh đẹp và ăn uống thì thoải mái vì cả một dãy bãi Mỹ Khê là nhà hàng hải sản bình dân, đồ phong phú và giá cả hợp lý.

Khách sạn ở Quảng Ngãi có đầy đủ hết từ 4 sao, 3 sao đến bình dân nhà trọ. Ăn ở Quảng Ngãi thì có mấy đặc sản như cá bống sông Trà quán Cây Gòn ngay đầu cầu Trà Khúc cũ gần khách sạn 3 sao Sông Trà. Thêm món nữa nên ăn thử là cơm gà Nhung 2. Cứ hỏi bất cứ ai ở đây đều biết và chỉ đường cho các bạn. Giá ở cơm gà Nhung khá hợp lý và ngon nhưng quán Cây Gòn giá khá chát theo mình nghĩ vì quán này đăng ký thương hiệu hẳn hoi rồi.

Ngày 2: Quảng Ngãi - Sa Kỳ - đảo Lý Sơn

- Dậy sớm trả phòng và di chuyển ra cảng trước 6h30 để mua vé tàu cao tốc.

- 7h - 7h30: Lên tàu cao tốc, đến đảo Lý Sơn

- 9h: Nhận phòng, nghỉ ngơi nếu bị say song quá mệt. Đến Đảo nhận phòng, thuê xe máy đi tham quan luôn(cái này phải lien hệ trước để nhà nghỉ chuẩn bị xe, mũ BH đầy đủ). Nếu ở trung bình thì nên dùng Hoa Biển, Viễn Đông, Thành Phát, Mỹ Phụng còn nếu ở tiết kiệm thì Đại Dương, Bình Yên… ngay cầu cảng. Năm nay mọc them nhiều nhà nghỉ do nhu cầu khách du lịch đến quá đông nên có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, dù ở đâu cũng nên đặt trước nếu vào những dịp lễ tết hoặc ngày cuối tuần.


Diện mạo mới của Lý Sơn nhìn từ phía cầu cảng.

- Ăn cũng có thể đặt ăn tại Hoa Biển hoặc các nhà nghỉ. Mấy quán nhậu thì thấy Sơn Thủy trên chỗ gần chùa Hang là ổn nhất và mát nhất, chỉ hơi xa và không có cơm, chỉ có nhậu và nếu đói thì có cháo nhum.

- Cung đường đi tham quan như sau sẽ tận dụng được thời gian mà đi được hết các điểm: nhà nghỉ - nhà lưu niệm (tượng đài luôn) - giếng vua - chùa Hang - hải đăng lớn - đình làng An Hải - về khách sạn ăn trưa. Buổi chiều: hồ đập nước (núi Thới Lới) - hang Câu - đình làng An Vĩnh, Âm Linh Tự, chùa Đục - cổng Tò Vò (ngắm hoàng hôn xuống biển ở chùa Đục) - khu mộ gió - về khách sạn ăn tối (ở quán Sơn Thủy có karaoke rộng, ngay bờ biển).

- Về nghỉ ngơi sớm và nếu thích chụp ảnh thì sang hôm sau cố gắng dậy sớm để chụp ảnh bình minh lên trên biển rất đẹp ở đèn biển hòn Mù Cu phía Đông của đảo gần nhà nghỉ Hoa Biển, Mỹ Phụng...


Ngọn hải đăng ở đảo lớn Lý Sơn.

* Đi lại, phương tiện di chuyển ở đảo lớn

Hiện hãng Taxi Tiên Sa của Đà Nẵng đã đưa ra 9 chiếc loại 7 chỗ. Giá hơi chát nhưng vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên chỉ nên dùng để di chuyển đi ăn hoặc từ cảng về nhà nghỉ. Chứ đi tham quan thì nên thuê xe máy mà đi cho tiện và ngắm nghía được cái đẹp của đảo.

Về xe máy: liên hệ với những nơi mình nghỉ ngơi. Hiện nay không có chỗ nào cho thuê xe máy với quy mô khoảng 5 chiếc trở lên cả và xe máy thuê ở đảo khá cà tàng. Mọi người cố gắng lựa chọn kiểm tra xe trước khi thuê.

Về xe du lịch để chở những đoàn đông thì nên liên hệ với các nhà nghỉ họ sẽ gọi giúp.

* Ăn nghỉ ở đảo lớn

Về ăn uống: nói chung là không có gì thay đổi so với những năm trước đây. Một số nhà hàng quán ăn trước đây cảm thấy chấp nhận được thì xem qua thấy chất lượng giảm đi rất nhiều và có hiện tượng chặt chém đẹp khách du lịch. Vậy nên tốt nhất là ở khách sạn hay nhà nghỉ nào thì mọi người nên đặt cơm luôn tại đó. Vừa tiện lợi, vừa được đặt theo ý mình mà mình là khách nghỉ của họ nên khả năng họ sẽ nấu nướng cho mình.


 Một bữa cơm toàn các món đặc sản như nộm tỏi, mực xào, cá

Mâm cơm 5 người toàn các món đặc sản như nộm tỏi trộn, mực xào, cá tà ma hấp, cá mú đỏ sốt chiên tỏi, giá chỉ khoảng 70.000 đồng/người.
Về nơi nghỉ, lưu trú: Ngay từ thời điểm này thì các ngày cuối tuần từ thứ 6 đến chủ nhật hầu như phòng đặt trước hết và không còn phòng những nhà nghỉ, khách sạn dạng vừa vừa và sạch sẽ, thoáng mát.

Mặc dù năm nay có thêm khách sạn Central Lý Sơn Hotel 30 phòng nhưng mà giá cả thì tăng khá cao so với chất lượng. Giá phòng đơn đang giảm giá 30% dịp mới khai trương mà 750.000 đồng, phòng đôi 1 triệu đồng.

Có khoảng 5-6 nhà nghỉ mới nhưng hầu như mỗi nhà chỉ tầm 6 đến 9 phòng nên không thêm được mấy. Giá chung từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng. Dịp lễ Tết có thể tăng chút ít.

Dịp nghỉ lễ 30/4 thì từ ngày 27/4 đến hết mùng 4/5 là hiện tại không còn phòng nào. Mà theo các chủ nhà nghỉ thì hiện vẫn rất nhiều đoàn điện đặt liên tục nhưng không còn phòng. Vậy nên mọi người tốt nhất đi dịp lễ Tết thì ngay bây giờ nhấc máy lên tìm phòng, may ra có đoàn nào hủy thì đặt nhanh. Nên chuyển ít tiền đặt cọc để chắc ăn.

Có thể vẫn còn lựa chọn homestay vì năm nay mọc lên khá nhiều dạng homestay này. Tuy nhiên ở homestay như này chỉ là cách cuối cùng thôi. Bất tiện, mất an toàn vì mới có vụ một đoàn mất mấy chục triệu và điện thoại tại nhà homestay gần cầu cảng.

Ngày 3: Lý Sơn - đảo Bé An Bình

- Sáng: Thức dậy sớm, ngắm bình minh ở Hải đăng lớn, Vịnh Mù Cu hoặc đỉnh Thới Lới. Ăn sáng, sau đó lên tàu thăm quan Đảo An Bình hay còn gọi là đảo Bé Lý Sơn.

- 9h: đặt chân lên đảo Bé, lấy phòng, tắm biển, lặn san hô, nghỉ ngơi tự do. Ở đảo Bé đã có một nhà nghỉ có 3 phòng là nhà nghỉ Minh Vy của vợ chồng chị Đảnh ngay gần cầu cảng. Ngoài ra có thể xin nghỉ nhờ bất kỳ nhà ai trên đảo bé kiểu homestay hoặc cắm trại ngoài bãi biển cực đẹp.

- Trưa: ăn trưa, sau đó nghỉ ngơi

- Chiều: thăm quan ruộng hành tỏi, ngắm bãi cát trắng mịn với những khối đá muôn vạn hình thù kỳ bí, chụp ảnh, tắm biển tại Hang sau.

- Tối: dựng lều tại bãi Tiên, BBQ hải sản giao lưu hát hò hoặc về đảo lớn nghỉ ngơi. (Nên về đảo lớn nghỉ ngơi trong thời gian này đảo bé chưa có điện).

* Tàu đi đảo bé

Hiện nay có một chuyến chạy cố định lúc 8h sáng hàng ngày và về tầm 14h30 chiều. Tuy nhiên đã có 3 tàu chạy đảo bé của ông Tròn, chú Thông và tàu Thanh Trân. Theo đánh giá thì tàu Thanh Trân sạch sẽ đẹp đẽ hơn cả. To hơn và có thể chở được hơn 40 người. Giá vẫn là giá chung một lượt là 30.000 đồng/người và khứ hồi là 50.000 đồng/người.
Ngoài ra có thể liên hệ thuê nguyên tàu nếu đoàn đông thì sẽ đi về theo giờ của mình cho chủ động. Giá thuê nguyên tàu khoảng 1,2 - 1,4 triệu tùy theo số lượng người và tùy loại tàu. Năm nay có sự cạnh tranh nên không còn tình trạng ép giá như năm ngoái.


Tầng 2 tàu đi đảo bé.

Ngày 4: Lý Sơn - Quảng Ngãi - chứng tích Sơn Mỹ

- 5h: dậy đón bình minh, tắm biển, dọn dẹp, ăn sáng và trở về đảo Lớn.

- 7h30: lên tàu trở về đất liền. Kết thúc hành trình khám phá Lý Sơn.

- 9h30: đoàn về đến cảng Sa Kỳ, sau đó lên xe, tiếp tục đến dạo chơi bãi biển Mỹ Khê - Quảng Ngãi.


- 11h: thăm quan khu chứng tích Sơn Mỹ, đoàn có thể trực tiếp nhìn thấy những bức ảnh ghi lại tội ác chiến tranh, của quân đội Mỹ đối với những người dân vô tội tại Mỹ Lai (Sơn Mỹ), để nhìn thấy...

Giới thiệu Đảo Lý Sơn

  


Lý Sơn trước đây được gọi là cù lao Ré mà theo cách lý giải của dân gian là “cù lao có nhiều cây Ré”. Là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý.

Hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa với 5 miệng, được hình thành cách đây 25-30 triệu năm. 5 ngọn núi là nguồn giữ các mạch nước ngầm chính cung cấp nguồn nước cho toàn bộ người dân trên đảo.

Huyện Lý Sơn là huyện đảo được tách ra từ huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam năm 1992 và trở thành huyện đảo tiền tiêu từ khi đó. Nói về huyện đảo này, nhân dân địa phương có ca dao thủy trình:

Trực nhìn ngó thấy Bàn Than
Ba hòn lao Ré nằm ngang Sa Kỳ

Tỉnh Quảng Ngãi đã khai trương tuyến du lịch "biển đảo Lý Sơn" vào ngày 28 tháng 4 năm 2007. Du khách từ thành phố Quảng Ngãi đi theo quốc lộ 24B về cảng Sa Kỳ, sau đó ra đảo bằng tàu cao tốc và thuê xe máy để đến các di tích trên đảo. Khi lưu trú trên đảo, du khách sẽ được thưởng thức các món hải sản và các đặc sản gỏi tỏi, gỏi cá cơm, rong biển trộn (rau cum cúm), cháo nhum (cầu gai)...

Từ đảo lớn khách du lịch lại có thể đi cano sang đảo bé để tắm và bơi tại bãi dừa. Nước biển tại đây trong và sóng lặng.

Trên đảo có ba di tích quốc gia: đình làng An Hải (di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa bên trên), Âm linh tự (nơi thờ cúng oan hồn, cô hồn và phối thờ tử sĩ Hoàng Sa - Trường Sa), Chùa Hang. Các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh cũng đã được tìm thấy trên đảo, như suối Chình, xóm Ốc và đặc biệt là các dấu vết của văn hóa Chăm Pa. Và 24 chùa, am.

Ngày 13 tháng 07 năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định công nhận Tuyến du lịch biển đảo Lý Sơn gồm các điểm du lịch tại huyện Lý Sơn theo các tuyến: Chùa Hang, Đình làng An Hải, Chùa Đục, Miệng núi Lửa, di tích lịch sử Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa, Âm linh tự và một số nhà cổ tại huyện Lý Sơn.

Huyện đảo được mệnh danh là "Vương quốc tỏi" vì sản phẩm tỏi có hương vị đặc biệt. Các hàm lượng chất có trong tỏi luôn cao hơn tỏi được trồng ở những nơi khác.